Sự xuất hiện biến thể mới Omicron làm dấy lên lo ngại tiêu thụ cà phê sụt giảm do các biện pháp giãn cách xã hội được tái lập. Các nhà đầu tư vội vàng thanh lý khiến giá cà phê trên thị trường thế giới sáng ngày 30/11 quay đầu giảm sau một tuần tăng mạnh.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch đầu, giá cà phê Robusta tại London kỳ hạn giao tháng 1/2022 giảm 50 USD, đứng ở mức 2.258 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 40 USD, còn 2.197 USD/tấn, các mức giảm mạnh.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York nối tiếp đà giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 9,95 cent, xuống 233 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 9,85 cent, còn 232,3 cent/lb, các mức giảm rất mạnh.
Giá cà phê trong nước giảm theo giá thế giới
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng ngày 30/11 giảm 900 – 1.000 đồng/kg, dao dộng từ 41.200 – 41.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.947 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi khoảng 220 – 250 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 11/2021 đạt 38.975 tấn, trị giá 90,675 triệu USD. So với nửa đầu tháng 11/2020 tăng 23,71% về lượng và 46,64% về kim ngạch.
Cộng dồn từ đầu năm đến cuối kỳ báo báo đạt 1.324.729 tấn, trị giá hơn 2,543 tỉ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,54% về lượng và tăng 6,52% về giá trị.
Tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, tăng 4,6% so với tháng 9/2021 và tăng 18,5% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.907 USD/tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.
So với tháng 10/2020 thì tháng 10/2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Ý, Nhật Bản, Bỉ, Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang thị trường Nga tăng tới 140,7% về lượng và tăng 138,2% về trị giá.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Nga và Trung Quốc tăng.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, các tháng qua khối lượng cà phê xuất khẩu có tăng nhưng không đáng kể và thời gian còn lại của năm 2021, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc xuất khẩu để trả nợ các đơn hàng đã ký. Xét về niên vụ thì niên vụ cà phê 2020/2021, cả nước chỉ xuất khẩu được 1,81 triệu tấn, giảm 10,61% so với niên vụ trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Xuất khẩu cà phê hoà tan giảm
Trong khi xuất khẩu cà phê nhân tăng thì xuất khẩu cà phê hoà tan có phần chững lại. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam tháng 9/2021 đạt 45,43 triệu USD, giảm 7,5% so với tháng 9/2020 và giảm 5,1% so với tháng 9/2019.
Tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cà phê hoà tan tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020, và tăng 2,7% so với 9 tháng đầu năm 2019, đạt 412,82 triệu USD.
Theo Cục xuất khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê hoà tan sang các thị trường chính tăng so với 9 tháng đầu năm trước, ngoại trừ thị trường Philipines, Nga và Hàn Quốc. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cà phê hoà tan sang thị trường Indonesia tăng tới 104,1%, đạt 19,68 triệu USD.
Trà là thức uống truyền thống của Trung Quốc, nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê của nước này vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt ở các khu vực thành thị và những người trẻ tuổi.
Chi tiêu hộ gia đình tăng, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hoá phương Tây của người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc, và nhờ vào sự tiện lợi trong sử dụng, nên phân khúc cà phê hoà tan chiếm một lượng thị phần đáng kể trên thị trường, góp phần làm tăng nhu cầu về cà phê hoà tan trên cả nước Trung Quốc rộng lớn.
Việt Nam là nguồn cung cà phê hoà tan lớn thứ ba tại thị trường Trung Quốc
Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê của nước này tăng với tốc độ hàng năm là 15%. Còn theo trang web mordorintelligence.com, thị trường cà phê Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15% trong giai đoạn 2021–2026.
Đại dịch COVID-19 không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc, bởi người dân chuyển sang uống cà phê tại nhà nhiều hơn. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2020/21 (từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021), tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 3,7 triệu bao cà phê loại 60 kg. Trong khi đó, sản lượng cà phê của Trung Quốc đạt khoảng 1,8 triệu bao. Do đó, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng, có khoảng 80 thị trường cung cấp, và trong top 5 thị trường chính thì Việt Nam đứng thứ ba, sau thị trường Guatemala, Ethiopia, nhưng trước Malaysia và Brazil.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Guatemala và Ethiopia trong 9 tháng đầu năm nay đạt 49,8 triệu USD, tăng lần lượt 170,3% và 203,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 12,34% trong 9 tháng đầu năm 2020 xuống 11,94% trong 9 tháng đầu năm 2021.
“Thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến, để quảng bá trực tuyến và xây dựng thương hiệu sản phẩm tại thị trường này”, đại diện Cục XNK khuyến nghị.