Hiện nay, gần 80% thị phần dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT (OTT TV) tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước đang cung cấp các dịch vụ OTT TV cho rằng họ đang gặp nhiều bất công khi cạnh tranh với các doanh nghiệp xuyên biên giới ngay trên chính “sân nhà”…
Cuộc cạnh tranh không cân sức
Hiện nay, khi dịch vụ viễn thông phát triển thì OTT TV đang được coi là xu hướng tất yếu trên thế giới, và ngay ở Việt Nam nó cũng đã dần trở nên quen thuộc với nhiều gia đình. Chắc chắn khi nói đến truyền hình trả tiền trực tuyến thì không ít người có thể kể ra hàng loạt cái tên như: FPT Play, Next TV, MyTV, Galaxy Play, DANET, VieON…
Đặc biệt, một số dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang chiếm ưu thế vượt trội về nội dung giải trí được nhiều gia đình, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn như: Netflix, Apple TV, Disney Plus, WeTV… Tuy nhiên, có lẽ ít khán giả quan tâm đến sự cạnh tranh quyết liệt thị trường OTT TV giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức mới đây cho thấy: Việt Nam đang để nước ngoài chiếm giữ 80% nền tảng không gian mạng. Điều này có phần nguyên nhân từ sự bất bình đẳng trong quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi các đơn vị trong nước muốn đưa phim đến công chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (giấy phép phổ biến phim, nội dung phim phải được kiểm duyệt, nhập khẩu phim phải có giấy phép…); với kênh chương trình truyền hình, việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập kênh chương trình nước ngoài phải tuân theo quy định về quản lý nội dung thông tin, chất lượng giá… thì các đơn vị OTT nước ngoài lại không cần thực hiện điều này.
Không bị ràng buộc về thủ tục, các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia còn giành cả lợi thế về thuế, vì việc thu thuế từ họ vẫn cực kỳ nan giải.
Cơ quan chức năng không kiểm soát được doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị này; cơ quan thuế không thể yêu cầu các đơn vị này nộp thuế còn các ngân hàng trong nước và các đơn vị trung gian ở Việt Nam thì lại chỉ là đơn vị thu hộ, không được hưởng lợi trực tiếp và cũng không có nghĩa vụ khấu trừ thuế, nộp về ngân sách.
Đồng thời, việc xác định loại thuế để áp dụng là thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhà thầu cũng không dễ dàng do không có căn cứ pháp lý.
Hơn nữa, các nhà cung cấp Internet ở Việt Nam đã và đang có các chính sách hỗ trợ băng thông và CDN cho các ứng dụng OTT xuyên biên giới như Google, Facebook nhưng với các ứng dụng OTT nội địa chiếm băng thông lớn thì chính sách phối hợp hỗ trợ băng thông này chưa có.
Điều này dẫn tới chi phí cao, nhiều lúc còn đắt đỏ hơn doanh thu kiếm được từ quảng cáo. Chính vì thế, các OTT nội địa đang rất chật vật trong việc trả chi phí để duy trì dịch vụ cho khách hàng.
“Thực hiện các nghĩa vụ về thuế gây áp lực lớn cho OTT TV trong nước khi đưa ra giá thành đến người dùng cuối. Đó là chưa kể đến nạn vi phạm bản quyền đang tràn lan ở Việt Nam khiến ngành này rủi ro rất lớn vì đầu tư quá nhiều vào bản quyền nhưng doanh thu thì quá nhỏ”, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước cho biết.
Khi mọi thứ đều thuận lợi sẽ tỉ lệ thuận với gia tăng tiềm lực tài chính. Các đơn vị OTT nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng ký độc quyền một số đạo diễn, biên kịch, diễn viên nổi tiếng để chiếm thế “độc quyền”.
Sau đó, chiếm lĩnh thị trường truyền hình trả tiền, truyền hình OTT. Điều này dẫn đến các kênh truyền hình chính thống của Việt Nam sẽ khó tìm khán giả, buộc phải liên kết, hoặc đưa vào gói OTT nước ngoài và do OTT nước ngoài cầm trịch.
Cần thiết phải có những quy định mới
Mặc dù chiếm tỉ trọng doanh thu rất lớn, thế nhưng các OTT TV xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Do đó, xét về mặt tuân thủ pháp luật, các OTT TV đang vi phạm trong nhiều năm nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định cần phải bảo hộ một cách hợp lý đối với các doanh nghiệp trong nước; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về quản lý nội dung, lưu trữ dữ liệu, quản lý quảng cáo, quản lý thuế và thanh toán.
“Đây không phải là Việt Nam gây khó khăn cho các công ty xuyên biên giới, cũng không phải là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước này, nước khác, mà chính là để tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; xóa bỏ định kiến rằng quản lý nhà nước đang bảo hộ ngược doanh nghiệp nước ngoài do thiếu quy định khả thi để quản lý họ”, ông Lâm nêu quan điểm.
Tương tự, đại diện Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định lĩnh vực dịch vụ OTT TV đang đứng trước một số thách thức không nhỏ về áp lực cạnh tranh không bình đẳng của OTT nội và OTT xuyên biên giới.
Vì vậy, để có thể duy trì thị trường dịch vụ ổn định, cạnh tranh và phát triển lành mạnh, cần thiết phải có những quy định mới sát thực tiễn để quản lý các dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động hết sức nguy hại, như xâm lăng văn hóa, phổ biến các giá trị sống thiếu chọn lọc đến giới trẻ, làm méo mó thị trường dịch vụ trong nước và làm suy yếu ngành sản xuất nội dung trong nước.
Việt Nam cần có sách lược để đảm bảo sự bình đẳng và ưu tiên phát triển các công ty bản địa trên không gian mạng để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Theo Hà Phong/Lao Động Thủ Đô