Bạn học trái ngành nhưng lại hứng thú với nghề Content, muốn thử sức nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Bạn thấy ra rả trên mạng xã hội hàng loạt các idea khủng về nội dung và muốn thử tạo ra nội dung tương tự, hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn thêm nghề tay trái tăng thêm thu nhập cho bản thân? Dù là xuất phát từ bất cứ động cơ nào đi nữa thì cũng Xin chào mừng bạn đã đến với THẾ GIỚI CỦA NHỮNG CON SEN VÀ IDEA VÔ CỰC.
Nếu còn đang lơ ngơ về định hướng cần thêm nhiều thông tin hơn nữa để theo đuổi nghề hoặc đã làm nghề nhưng vẫn còn mù mờ về lộ trình sự nghiệp của mình thì series bài viết này đích thị là dành cho bạn. Marketing Brands rất vui làm người hỗ trợ cho bạn trong những bước đi đầu tiên này.
Trước khi đi vào các nội dung của bài, Marketing Brands xin trả lời ngắn gọn một vài câu hỏi có thể nói là “kinh điển” mà bất kỳ ai lần đầu muốn rẽ ngang vào ngành Content đều băn khoăn, hoang mang.
Làm Content chỉ đơn giản là nội dung thôi đúng không? Ai cũng có thể học và làm được?
Content là một từ tiếng Anh dịch nghĩa sang Tiếng Việt là nội dung. Vậy thì làm Content nghĩa là làm nội dung là quá đúng rồi không cần phải bàn cãi nữa, đúng tuy nhiên vẫn chưa đủ. Chính xác nghề Content là nghề “Tạo ra nội dung” và nội dung đó có thể là chữ, hình ảnh, video chứ không chỉ đơn thuần là chữ như nhiều người hiểu nhầm.
Ai cũng có thể học Content nhưng để có thể làm nghề và trụ được với nghề thì đòi hỏi người ấy phải có một số tố chất nhất định. Và một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là Đam mê. Không riêng với nghề Content, bất cứ một ngành nghề nào mà bạn muốn vươn lên cao cũng cần phải có một chất xúc tác đặc biệt chính là Đam mê. Chỉ khi Đam mê bạn mới không cần học hỏi, làm mới hoàn thiện bản thân trong công việc của mình, nhờ đó mới có thể bứt phá tạo ra những dấu ấn, thành tích nhất định.
Content có thể học nhanh chóng trong thời gian ngắn?
Content là một ngành đòi hỏi rất nhiều kỹ năng hơn nhiều người nghĩ rất nhiều. Kỹ năng viết cũng chia ra làm nhiều loại nội dung khác nhau. Để có thể thông thạo kỹ năng và phát triển một Content cần nhiều năm mới có thể đạt được trình độ nhất định.
Một bài thông cáo báo chí nó sẽ khác với nội dung quảng cáo trên tivi,… chính vì thế mà không thể nào chỉ trong 5 – 10 ngày mà giỏi Content hoặc thạo nhiều loại Content được. Sau 5 – 10 ngày, bạn chỉ mới là nhập môn mà thôi. Để hiểu sâu và ứng dụng viết được nhiều loại nội dung khác nhau, bạn cần phải trải qua sự trui rèn không ngừng với đơn vị tính bằng năm. Đây là bắt buộc. Do đó nếu như bạn nôn nóng muốn đổi nghề và nghĩ rằng chỉ cần sau 5 – 10 ngày là giỏi ngay Content thì không nên chọn ngành này.
Mức lương của ngành content hiện nay dao động khoảng bao nhiêu?
Nếu như bạn đã tham gia vào một số khóa học Online, hoặc ra ngoài học một khóa ngắn hạn lấy chứng chỉ, hoặc chưa từng học bao giờ nhưng muốn thử sức với ngành Content (Chưa có kinh nghiệm) thực chiến thì mức lương của bạn sẽ dao động: 6.000.000 – 7.000.000 đồng.
Sau khi làm 1 – 2 năm thì mức lương có thể nhảy lên từ 8.000.000 – 9.000.000. Từ sau 2 năm thì mức lương có thể dao động từ 10.000.000 – 15.000.000 tùy vào vị trí đảm nhận. Đó là vị trí của nhân viên Fulltime còn nếu Freelancer thì nó sẽ có nhiều mức đa dạng khác nhau.
Freelancer dạng cộng tác viên thì bạn sẽ có thể có lương cứng, dài hạn dựa vào số lượng bài thỏa thuận từ trước. Còn dạng thứ 2 là cộng tác trả theo bài. Mức bài viết hiện dao động từ 30.000 đến vài triệu đồng tùy vào hạng mục nội dung thực hiện, số từ và độ khó theo như thỏa thuận giữa đôi bên.
Còn nếu bạn là một Content có thực lực, có thể tạo ra thương hiệu cá nhân, có những sản phẩm tạo được tiếng vang thì thu nhập sẽ không có hạn định. Chẳng hạn như một Hot Youtuber, hoặc Tiktoker họ có thể tạo ra thu nhập hàng chục triệu đến hàng trăm triệu/ tháng là hết sức bình thường.
Tiềm năng thị trường lao động ngành Content thế nào?
Nhu cầu Content trong thời điểm hiện tại có thể nói là vô cùng lớn. Sự bùng nổ của internet và sự phát triển của quảng cáo giúp cho ngành Content trở nên thu hút nguồn lao động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đây cũng là ngành cạnh tranh khốc liệt, dễ làm nhưng để vươn đến đỉnh cao thì không phải ai cũng có thể làm được.
Nếu học Content thì chắc chắn bạn sẽ khó thất nghiệp tuy nhiên tuổi của ngành nghề ngày càng trẻ hóa. Do đó cần phải có một mục tiêu rõ ràng trong sự nghiệp và liên tục làm mới mình nếu không bạn rất dễ bị thị trường đào thải. Cái này Marketing Brands sẽ nói rõ ở những phần sau.
Giờ thì mình cùng vào phần nội dung chính nào
- Content Writer/ Copywriter / Content Creator là gì? Sự khác nhau giữa những vị trí này như thế nào?
Content Writer: Đây là vị trí Content sát với định nghĩa suy nghĩ của nhiều người nhất. Content Writer chủ yếu làm việc với văn bản chữ viết là chính, văn bản có thể ngắn hoặc dài. Thường viết chủ yếu cho website, Blog, Newsletter, email, …Content Writer thường tạo ra các nội dung hữu ích, cung cấp các thông tin hữu ích cho người dùng. Trong hoạt động Marketing họ thường chủ yếu hỗ trợ cho công tác làm nội dung để Seo website. Còn nếu làm trong phòng truyền thông họ sẽ đảm nhận viết Thông cáo báo chí, đưa tin sự kiện, phỏng vấn, tạp chí nội dung, bản tin công ty, …
Copywriter: Đây là vị trí Content đóng một vai trò vô cùng quan trọng doanh nghiệp. Ở vị trí này Content không chỉ đơn thuần là giỏi kỹ năng viết mà còn phải có kiến thức nhất định về Marketing, hiểu sâu về sản phẩm và kỹ năng sử dụng ngôn từ linh hoạt. Một Copywriter sẽ là người tạo ra các nội dung quảng cáo tiếp thị bán hàng là chính. Mục đích của họ là tạo ra nội dung thuyết phục khách hàng mua sản phẩm sử dụng dịch vụ nào đó theo hành trình mua hàng.
Copywriter thường hoạt động trong phòng Marketing hoặc Agency chạy quảng cáo. Copywriter sáng tạo nội dung bán hàng gần như trên tất cả các kênh phân phối từ Online và Offline
Một Copywriter sẽ nắm giữ “Trái tim” của tất cả các chiến dịch quảng cáo, truyền thông. Bên cạnh kỹ năng sử dụng ngôn từ, hiểu rõ về các nền tảng, tỉ mỉ vị trí này còn đòi hỏi phải có khiếu thẩm mỹ và khả năng kết nối teamwork cao vì thường phải làm việc với cả Design và Quay dựng.
Content Creator: Được định nghĩa là người sáng tạo nội dung trên tất cả các nền tảng. Nội dung đa dạng từ cung cấp thông tin đến giải trí, bán hàng, quảng cáo, … có thể làm việc trong phòng Marketing, truyền thông công ty, agency hoặc làm tự do (Hot youtuber, Hot TikToker). Content Creator thường làm việc với cả văn bản, hình ảnh và đặc biệt là sản xuất video.
Một Content Creator cần đòi hỏi nhiều kỹ năng tùy vào nơi làm việc và loại nội dung sản xuất. Nếu ở phòng Marketing thì họ sẽ cần khiếu thẩm mỹ màu sắc, am hiểu quy trình quay dựng, viết được kịch bản và thậm chí đôi khi họ kiêm luôn loạt công việc khác như kiêm luôn vai diễn và tự mình thể hiện trên video, MC, …
Mỗi vị trí sẽ có một lộ trình thăng tiến sự nghiệp riêng biệt cũng như giữ một tầm quan trọng nhất định tùy theo nhu cầu của mỗi công ty.
Như vậy kết thúc bài đầu tiên trong Series cẩm nang nhập môn ngành con sen cho những tấm chiếu mới, Marketing Brands đã có những chia sẻ tổng quan về ngành nghề làm con sen cho tất cả các bạn. Ở nội dung tiếp theo, Marketing Brands sẽ giới thiệu cho các bạn chân dung của từng vị trí Content, tố chất, kỹ năng cần có của từng vị trí Content và những ngã rẽ trong quá trình làm nghề cũng như những kỹ năng cần bổ sung cần có để tiến lên vị trí cao hơn trong công việc.
Chúc cả nhà một ngày mới tốt lành và hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo nhé.